Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2020

Tìm hiểu về Dân ca Nghệ Tĩnh Hát Ví phường vải

Tìm hiểu về Dân ca Nghệ Tĩnh Hát Ví phường vải

Hát phường vải

Hát phường vải, hay Ví phường vải, là một điệu hát của người dân, thể loại đối đáp giao duyên của dân ca Nghệ An, Hà Tĩnh. Điệu hát thể hiện sự cần mẫn, trí tuệ, khoe sắc, đua tài. Xuất hiện từ khi nào chưa ai biết chính xác, phát triển rộng rãi ở những vùng dệt vải. Các giai điệu ứng đối, sáng tác, chỉnh sửa. Wikipedia 

Ví phường vải là đặc sản, là tinh hoa, là linh hồn của con người Nghệ Tĩnh. Ngày 27-11-2014, dân ca ví giặm xứ Nghệ trong đó có hát ví phường vải được Tổ chức Unessco vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Từ xa xưa, bên bờ sông Lam, khi nghề trồng bông dệt vải đang thịnh hành trên mảnh đất Nam Đàn. Vào những đêm trăng thanh gió mát, nam thanh nữ tú trong làng vừa quay sợi vừa góp vui bằng những câu hát ví.

Các làn điệu dân ca được coi như là nét văn hóa đặc trưng của từng vùng, miền và mỗi khi nói tới một vùng nào đó thì tất cả mọi người dân Việt Nam đều biết về làn điệu dân ca độc đáo của miền quê ấy. Cũng như nhắc đến Nghệ Tĩnh, chúng ta nghĩ ngay đến dân ca Ví Giặm-một loại hình nghệ thuật  với những câu hát được đúc kết từ lời ăn, tiếng nói mộc mạc, từ cái hay, cái đẹp, cái tinh túy trong nhân dân lao động. Và hát phường vải đặc biệt hơn là một trong những thể đặc sắc nhất của dân ca ví giặm xứ Nghệ.

           Câu hát phường vải có từ xa xưa, bắt nguồn từ phường vải của các cô gái, khi nghề trồng bông dệt vải phát triển rầm rộ ở Việt Nam. Vào mỗi buổi tối, các bà, các mẹ, các o tập trung ở nhà chủ phường, vừa quay xa kéo sợi, vừa cất lên tiếng hát để trao đổi tâm tình của mình, quên đi mệt nhọc trong lao động.  Khi lời ca ngọt ngào, sâu lắng ấy cất lên cũng là lúc các chàng trai bắt đầu kéo đến, họ đã cùng nhau ngân lên câu hát. Có khi họ hát đố, có khi là hát tỏ tình, hát thử tài. Khi ngành dệt vải phát triển, cuộc sống của người dân sung túc hơn thì phụ nữ được đi học với các thầy đồ. Vì vậy trong những vùng phường vải  xuất hiện các thầy giáo và chính họ đã tham gia buổi hát đối trong vai thông sự. Vậy nên có thể nói hát ví phường vải không chỉ là sự kết hợp giữa người lao động với nhau mà còn được nâng lên kết nối giữa người tri thức và người lao động.

Nét đặc sắc nhất của ví phường vải là tính trí tuệ sắc sảo và chất trữ tình đằm thắm. Nếu như Tính trí tuệ  xuất phát từ trình độ thử thách hiểu biết trí thông minh của nhau, yêu cầu người hát khôn khéo, có khả năng ứng xử mau lẹ với những tình huống bất ngờ. Thì Chất trữ tình đằm thắm của Ví phường vải rất phong phú thể hiện vẻ đẹp, chiều sâu tâm hồn của người dân qua các thời kì lịch sử. Hai yếu tố này luôn bổ sung cho nhau tạo nên sự quyến rũ đặc biệt.

          Chúng  ta có thể kể đến câu hát  tình tứ của một cô gái lần đầu gặp mặt làm quen với chàng trai:

Hỏi chàng quê quán nơi nào

Sao mà chẳng biết vườn đào có hoa?

Và Trí thông minh của anh chàng này đã được bộc lộ ngay sau đó.

Anh là khách lạ đường xa

Biết đây có gái đào hoa đến tìm.



 VÍ PHƯỜNG VẢI


Nữ:

Người ơi... tắn tằn róc rách

Vì chưng kéo (ờ...ơ...ơ) vải...

Nên sinh ra (ờ...ơ) phường.


Nguyệt dạ canh (à) trường

Dăm ba o ngồi (ờ...ơ) lại

Trước là nghề (ơ) bông (ờ...ơ) vải

Sau đàn hát (à) vui (ờ..ơ) chơi (ơ)

Trăng gió mát (à) gởi (à ơ) lời

Xa quay nên (ơ) cung (ơ) vải

Khung dệt thành (ơ) tấm (ơ) vải.


Dừng xa (ơ...ơ) khoan kéo ... (ờ...ơ) phường

Hình như có khách, viễn phương tới nhà...đó.

Nam:

Người ơi... chứ đồn đây có gái (ì) hát (ơ...ơ) tài

Để ta đối (ờ..ơ) địch một vài (ơ) trống canh

Chứ dẫu thua dẫu được cũng đành

Bỏ công nghiên (ờ..ơ) bút sách đèn bấy lâu.

Nữ:

Hỡi là người ơi ơ....ơ...

Nghe Chàng thông thạo Thúy Kiều

Gặp đây xin (ờ...ơ..) hỏi mấy điều (mà) phân (ơ) minh.

Vì sao Viên ngoại lai Kinh,

Vì sao Kiều (ờ...ờ...ơ) phải bán mình chuộc (ờ...ơ...ơ) Cha (ơ...)?

Nam:

Này em ơi.., chứ Anh đây Quốc ngữ trự hay

Thúy Kiều cũng thạo xin giãi bày cùng Đào thơ

Chứ vu oan bởi Lạo Bán tơ

Cho nên Viên (ờ...ơ) ngoại bất ngờ lai Kinh

Vì chưng hiếu nặng hơn tình

Cho nên Kiều (ờ...ơ) phải bán mình chuộc Cha.

Nữ:

Hỏi chự chi anh chôn xuống đất

Hỏi chự chi anh cất lên đầu

Hỏi chự chi anh mang không nổi

Hỏi chự gì gió thổi không bay

Trai nam nhi đối đặng

Em trao tay lạng (ơ) vàng.

Nam:

Này em ơi,

Chự Hoàng Tiên anh chôn xuống đất

Chự Phụ Mậu anh cất lên đầu

Chự Đá vàng anh mang không nổi

Chự Duyên tình gió thổi không bay

Em trao chi cho anh thỏa dạ

Chứ trao lạng vàng... anh nỏ ưng.

Nữ:

Người ơi, xuống dưới Sông Lam bắt con cá (ờ...ơ) lội

Lên Núi Hồng Lĩnh hái một trái sim.

Nam:

Có thương nhau anh mới đi tìm

Bây giờ kháp mặt như Kim kháp (ơ) Kiều.

Nữ:

Hỡi là người ơi ơ...

Duyên đôi ta hội ngộ tình cờ

Ngọn đèn em (ờ...ờ...ơ) vạt câu thơ anh (ờ...ơ ...ơ) đề.

Nam:

Chứ ra về nhớ lắm em ơi

Nhớ xa em (ờ...ơ) kéo nhớ lời em than.

Nữ:

Ờ ... ơ... chưa đi anh đạ vội về

Đạ đi đừng vội, vội về đừng (ơ) đi.

Nam:

Người ơi, muối ba năm muối đương còn (ơ) mặn.

Nữ: Gừng chín tháng gừng hãy còn cay.

Nam+Nữ:

Đôi ta tình nặng ngại dày

Dù có xa nhau đi chăng (ơ) nữa

Thì ba vạn sàu ngàn ngày nỏ (ơ) xa.

Audio Player

Tìm hiểu nhiều về ví phường vải qua các trang sách, nói chuyện với các nghệ nhân phường vải tại Kim Liên, tôi nhận thấy hát phường vải là lối hát tự do, ngâm vịnh theo thể thơ lục bát phần đông nhưng có khi biến thể. Đề tài thường xoay quanh chuyện tình yêu, hỏi thăm tên tuổi, thử tài kiến thức.  Con trai khi đến hát phải đứng ở ngoài đường. Khi nào qua được chặng đầu (hát dạo, hát chào) và chặng nhì ( hát đố) thì mới được vào bên trong nhà tiếp tục hát xe kết trước khi hát tiễn.

          Tôi biết thêm đựợc các ông đồ nho trước kia  như Phan Bội Châu, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ.. đều là những người yêu thích và hát phường vải rất hay, thường được các cô gái, chàng trai mời làm quân sư mách lời giữ bí trong khi hát. Đặc biệt hơn nữa, Bác Hồ của chúng ta là người say mê nghe hát phường vải, tuổi ấu thơ Người được lớn lên trong những câu ví của bà, của mẹ, của dì An.Vậy nên có thể nói ví phừờng vải là 1 trong những nhân tố ảnh hưởng  và hình thành nên cá tính, hun đúc thêm lòng yêu quê hương đất nước cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

          Tôi được biết đến những cái nôi của ví dặm nói chung và phường vải nói riêng như Can Lộc, Thanh Chương,Đức Thọ, Quỳnh lưu…và thật vinh dự Tôi được làm việc ngay tại mảnh đất Nam Đàn- một trong những cái nôi của hát phường vải.Khi Tôi được đến nói chuyện với Bác Trần Văn Tư- một nghệ nhân của hát phường vải tại Kim Liên. Được nghe Bác hát, Bác kể lại say sưa về loại hình nghệ thuật này với vẻ tự hào, tôi cảm nhận sâu sắc hơn tình yêu dân ca, yêu câu ví xứ sở của quê hương mình.Tâm sự với Tôi, Bác có nhiều trăn trở bởi hiện nay cùng với sự phát triển đi lên của đất nước kéo theo đó xuất hiện nhiều trào lưu văn hóa, văn  nghệ mới, đặc biệt giới trẻ ngày nay càng xa rời với thể loại âm nhạc dân gian, họ thích những dòng nhạc sôi động phù hợp với lứa tuổi. Vậy nên, những người giữ hồn cho phường vải như Bác luôn mong muốn làm sao để ví phường vải được bảo tồn, phổ biến sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Với những suy nghĩ đó, tôi nhận thấy rằng mỗi chúng ta cần phải đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh nói chung và hát phường vải nói riêng trên các phương tiện thông tin đại chúng

          Cần tôn vinh và hỗ trợ các nghệ nhân địa phương, xây dựng các câu lạc bộ hát phường vải tại các thị xã, thị trấn, trong các trường học.Tổ chức tìm hiểu thi hát dân ca, Sưu tầm các bài hát cổ, sáng tác các ca khúc cải biên nhằm thu hút sự quan tâm của giới trẻ.

          Ngoài ra cần đẩy mạnh kết nối, hợp tác với các đơn vị lữ hành du lịch trong và ngoài nước để giới thiệu khách du lịch đến với các địa điểm có các khu di tích và các câu lạc bộ dân ca. Thông qua đó để du khách thưởng thức những làn điệu dân ca ví giặm, phường vải hấp dẫn ở những không gian mở của khung cảnh làng quê, bến nước, sân đình…từ đó mà yêu, mà say câu hò điệu ví.

Có thể nói rằng, hàng trăm năm nay, cùng với sự biến thiên của đời sống xã hội nhưng những làn điệu dân ca, những câu hát phường vải tình tứ đã neo đậu trong tâm hồn nhiều người dân Nghệ Tĩnh.  Cho đến giờ trên dòng sông Lam, sông La hay dưới chân núi Hồng Lĩnh, làn điệu dân ca ấy vẫn góp phần nuôi dưỡng tâm hồn người dân trên mảnh đất gian khó miền Trung....

Xin được phép lấy câu nói của Bà Katherinmuller marin - Trưởng văn phòng đại diện Unessco tại Việt Nam để nói lên tầm quan trọng của loại hình nghệ thuật này và để làm câu kết cho bài hùng biện của mình “Dân ca ví dặm nói chung và ví phường vải nói riêng là một kho báu văn hóa bởi lẽ nó đã chạm vào tâm hồn và trái tim của mỗi chúng ta, bởi lẽ nó đã thúc đẩy sự đồng cảm và lòng khoan dung. Ca từ của câu hò xứ Nghệ tràn ngập trong trái tim chúng ta đem lại cho chúng ta sự an bình, hạnh phúc .”.. 

Vâng, là những người con của xứ Nghệ, tôi hi vọng rằng tôi và tất cả các bạn chúng ta hãy cùng nhau góp phần trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị kết tinh từ tâm hồn Việt Nam để nó trở thành một phần quý báu trong kho tàng di sản văn hóa của cả nhân loại.

Nguồn: Sưu tầm Internet

Tìm hiểu về Dân ca Nghệ Tĩnh Hát Ví phường vải

Tag: Ví phường vải lời bài hát: nghe câu ví phường vải Karaoke Ví đò đưa Dân ca Nghệ Tĩnh Dân Ca Dân Ca Nam Bộ Ca Nhạc Ca Nhạc Trữ Tình Nhạc Sống Hà Tây Nhạc Sến Nhạc Sống Miền Tây Dân ca xứ Nghệ dân ca xứ nghệ - mưa chiều miền trung dân ca nghệ tĩnh - lời cổ dân ca xứ nghệ - neo đậu bến quê Mới anh Về Xứ Nghệ Nghệ Khúc hát Dân Ca dân ca nghệ tĩnh (karaoke) Nghệ Dân ca xứ Nghệ Nghệ hát Dân Ca

1 nhận xét:

  1. Hát Ví phường vải là gì ạ? Không lẽ có cái phường xã nào tên Vãi hay Vải??? Hay là đi hát theo phường theo hội như đi phường chung tiền góp vốn bây giờ?

    Trả lờiXóa